» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
10/10/2010
GÒ ĐỐNG ĐA
Gò Đống Đa nằm cạnh góc phố Nguyễn Lương Bằng và Tây Sơn thuộc quận Đống Đa, cách trung tâm Hà Nội 10km về hướng Tây, trên đường Hà Nội đi Hà Đông.
Gọi là gò Đống Đa vì cho tới cuối thế kỷ 18, khu vực này đã có nhiều cây đa mọc và được gọi là xứ “Đồng Đống Đa”. Lê Quý Đôn trong Kiến Văn Tiểu Lục xuất bản năm 1771 cho biết xứ Đống Đa là nơi triều Lê đã tổ chức các kỳ thí võ.
Hàng nghìn người về dự lễ hội kỷ niệm 221 năm
chiến thắng Ngọc Hồi - Đống Đa sáng mùng 5 Tết.
Theo nhiều tài liệu lưu truyền từ trước đến nay, sau chiến thắng Kỷ Dậu - 1789 của Quang Trung, xác giặc nằm ngổn ngang khắp nơi và người ta đã phải thu nhặt lại, chất thành 12 đống rồi đắp đất lên thành gò, gọi là kình nghê quán (nơi chôn xác cá kình cá nghê, tức xác giặc). Năm 1851, 62 năm sau trận Đống Đa, kinh lược Nguyễn Đăng Giai khi mở chợ Nam Đồng đã san đất đắp đường và phát hiện nhiều hài cốt trước kia chưa thu nhặt hết nên đã cho gom lại đắp thành gò thứ 13, tức gò Đống Đa hiện nay. Đến cuối thế kỷ 19 khi thực dân Pháp đem cấp xứ Đống Đa cho Hoàng Cao Khải lập ấp Thái Hà, ông đã cho san lấp 12 gò cũ chỉ giữ lại gò thứ 13 và cho đắp đất cao to hơn trước, đồng thời cũng cho dời về đây đền Trung Liệt.
Tiết mục múa rồng, lân hoành tráng
Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Vinh Phúc, gần đây sau khi khảo sát lại thực địa và bi ký đã có thể làm sáng tỏ thêm đôi điều:
- Cái gò hiện còn dấu tích đền Trung Liệt là một ngọn núi đất có từ xa xưa và cái tên Đống Đa cũng đã có ít ra là từ đời Lê.
- Khoảng Thiệu Trị (1840-1847), tổng đốc Hà Nội họ Đặng sai thu thập hài cốt đầu đường cuối ngõ lại đắp thành 12 gò.
- Năm Tự Đức thứ 4 (1851) Kinh lược họ Nguyễn khi mở đường và chợ thấy nhiều xương khô đã sai đắp thêm 1 gò nữa.
Tiết mục "Tinh thần trống trận Quang Trung" với các màn diễn võ thuật, múa cờ.
Như vậy 13 gò mộ đề cập ở đây được đắp vào thời Nguyễn chứ không phải là “kình nghê quán” đời Tây Sơn. (*)
Hiện nay gò Đống Đa đã được quy hoạch xây dựng thành công viên văn hóa Đống Đa với tổng diện tích 21.475m2, gồm hai khu vực:
- Khu vực gò cũ rộng 6.275m2 đã được tôn tạo thành 1 gò tự nhiên với đền Trung Liệt được bảo tồn. Trên đỉnh gò, vào dịp kỷ niệm 200 năm chiến thắng Đống Đa đã đặt một khối đá nặng tám tấn có khắc lời hịch của vua Quang Trung.
Ảnh: HOÀNG HÀ (VnExpress.net – 18.2.2010)
- Khu công trình tưởng niệm rộng 15.200m2 gồm nhà bảo tàng giới thiệu một số hình ảnh hiện vật có liên quan đến vua Quang Trung và trận chiến thần tốc giải phóng Thăng Long ngày 5 tháng giêng năm Kỷ Dậu. Tại đây có tượng đài Quang Trung cao 14,65m với hai bức phù điêu mô tả trận chiến Đống Đa cao 4,5m có chiều dài 30m và 17m tạo nên sự hoành tráng cho khu lễ đài, nơi diễn ra lễ hội Đống Đa hàng năm cùng các hoạt động văn hóa thể thao khác.
Mai Kim Thành
Ảnh: HOÀNG HÀ (VnExpress.net – 18.2.2010)
(*): NGUYỄN VINH PHÚC: “Hà Nội Qua Những Năm Tháng” NXB Thế Giới - Hà Nội 2000.
Chủ đề liên quan :
- BẢO TÀNG PHỤ NỮ VIỆT NAM - ĐIỂM DU LỊCH ĐÁNG ĐẾN NHẤT HÀ NỘI 09/05/2014
- KHU DI TÍCH CỔ LOA 10/10/2010
- VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM 10/10/2010
- CỘT CỜ HÀ NỘI 10/10/2010
- BIA TIẾN SĨ: DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI 10/10/2010
- ĐỀN NGỌC SƠN VÀ CỤM DI TÍCH HỒ HOÀN KIẾM 10/10/2010
- THÀNH CỔ HÀ NỘI 10/10/2010
- DI SẢN THẾ GIỚI TRUNG TÂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG 10/10/2010
- KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 10/10/2010
- Ô QUAN CHƯỞNG 10/10/2010