» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
10/10/2010
THÀNH CỔ HÀ NỘI
Sau khi lên ngôi đặt kinh đô ở Phú Xuân, nhận thấy Cấm thành Thăng Long chật hẹp nên vào năm 1803, vua Gia Long đã cho mở rộng và xây dựng Bắc thành theo kiến trúc Vauban trên nền những tòa thành cũ, tuy tầm vóc có lớn hơn Cấm thành nhưng vẫn nhỏ hơn Hoàng thành của những vương triều trước. Đến cuối thế kỷ 19, người Pháp đã phá hủy thành Hà Nội (Bắc thành) để xây dựng khu phố Tây, khu đồn binh Pháp và sân vận động Mangin, phần còn lại ít ỏi nằm trên trục trung tâm gồm Đoan Môn, Kính Thiên của Hoàng thành thời Lê cùng Cột cờ, cửa Bắc được xây dựng vào thời Nguyễn.
Thành cửa Bắc – Ảnh: nguồn Blog.tamtay.vn
Trong nỗ lực chuẩn bị kỷ niệm 990 năm và 1000 năm Thăng Long - Hà Nội, từ tháng 12/1998, dự án trùng tu di tích thành cổ đã được phê duyệt với bước đầu Bộ Quốc phòng chuyển giao ba di tích Đoan môn, Hậu lâu, Bắc môn với tổng diện tích 7000m² cho Sở Văn hóa Thông tin Hà Nội quản lý. Ngay khi đoàn khảo cổ tiến hành thi công, phá dỡ những công trình không thuộc di tích gốc, đã làm xuất lộ những di tích cũ và Bắc môn được xác định chính là cửa Bắc của thành Hà Nội thời Nguyễn, Đoan môn với năm cổng bằng đá được xây từ thời Lê, còn Hậu lâu được người Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20, mô phỏng theo kiến trúc của một thời đại chưa xác định trước đó.
Tại Bắc môn, ngoài xem xét phá dỡ những gì được vá víu từ thời Pháp thuộc, việc tu bổ nhắm đến nguyên trạng của cửa thành và xây lại vọng lâu bên trên – nơi đây còn đặc biệt ý nghĩa với 2 vết đạn đại bác, dấu vết của cuộc chiến Pháp xâm lược Bắc kỳ năm 1882. Đến năm 2001, khi được đào thám sát quanh khu vực Hậu lâu và cửa Bắc, các nhà khảo cổ còn tìm thấy một cửa Bắc khác thời Lê, rộng hơn và chìm sâu hơn nhưng đã phải trải nylon và đắp cát vùi lại, chờ khi có điều kiện sẽ tiến hành khai quật qui mô hơn.
Điện Kính Thiên – Ảnh: nguồn webtretho.com
Điều thú vị là tại Đoan môn đã bất ngờ phát hiện một trục đường nằm sâu hơn cốt nền hiện tại 1,9m dẫn từ cổng Đoan môn và điện Kính Thiên, được xác định là công trình xây dựng thời nhà Trần. Tại đây 12 lớp sỏi, gạch, đất sét được trải và đầm nén kỹ dày đến 1m trước khi 5 lớp gạch bìa được lát lên trên; hai bên đường, gạch được cắm theo kiểu dăm cối đã tạo thành những ô hoa chanh trang trí đẹp mắt. Cũng tại Đoan môn còn phát hiện hai lớp cầu thang chồng lên nhau, trong đó cầu thang phía dưới chưa xác định thuộc thời đại nào và cầu thang phía trên được xây vào thời Pháp thuộc.
Hậu lâu - Ảnh: nguồn Hanoinho.com
Tĩnh Bắc lâu hay Hậu lâu (lầu phía sau) là một công trình đặc biệt, được xây dựng với ý đồ phong thủy nhằm giữ yên bình phía Bắc hành cung của thành cổ Hà Nội, chính vì vậy mà nó đã được xây phía sau cụm kiến trúc chính là Hành cung, nhưng lại ở về phía Bắc; nơi đây còn được gọi là lầu Công chúa. Theo phán đoán, di tích Hậu lâu được Pháp xây dựng vào những năm đầu thế kỷ 20, tại đây cũng đã tìm được những đồ gốm (bình gốm, bát gốm) giống như những đồ gốm thời nhà Lý đã tìm thấy ở Hoa Lư (Ninh Bình).
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- BẢO TÀNG PHỤ NỮ VIỆT NAM - ĐIỂM DU LỊCH ĐÁNG ĐẾN NHẤT HÀ NỘI 09/05/2014
- KHU DI TÍCH CỔ LOA 10/10/2010
- VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM 10/10/2010
- CỘT CỜ HÀ NỘI 10/10/2010
- BIA TIẾN SĨ: DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI 10/10/2010
- ĐỀN NGỌC SƠN VÀ CỤM DI TÍCH HỒ HOÀN KIẾM 10/10/2010
- GÒ ĐỐNG ĐA 10/10/2010
- DI SẢN THẾ GIỚI TRUNG TÂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG 10/10/2010
- KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 10/10/2010
- Ô QUAN CHƯỞNG 10/10/2010