» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
10/10/2010
ĐỀN NGỌC SƠN VÀ CỤM DI TÍCH HỒ HOÀN KIẾM
Mỗi khi nhắc đến hồ Hoàn Kiếm, hẳn nhiều người còn nhớ đến những công trình kiến trúc đầy ấn tượng như tháp Bút, đài Nghiên, cầu Thê Húc dẫn vào lầu Đắc Nguyệt hay đình Trấn Ba, tháp Rùa… có liên hệ gần gũi với đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc giữa hồ. Nguyên đảo có tên là Tượng Nhĩ (tai voi), đến thời Lý được đổi thành Ngọc Tượng Sơn. Tên Ngọc Sơn là có từ thời Trần.
Trong thời vua Lê, trên đảo Ngọc Sơn chúa Trịnh Giang đã cho xây dựng cung Khánh Thụy để làm điểm vui chơi, sau này Trịnh Doanh cũng cho đắp thêm cạnh bờ hồ chỗ đối diện với cung Khánh Thụy một gò đất và đặt tên là Ngọc Bội Sơn. Cung Khánh Thụy về sau đã bị Lê Chiêu Thống đốt trụi. Đến cuối đời Lê, trên nền cũ của cung Khánh Thụy đã xây dựng chùa Ngọc Sơn thờ Phật. Qua thời Nguyễn, chùa được chuyển thành đền thờ Văn Xương Đế Quân, rồi lại phối thờ Lã Động Tiên, Quan Vân Trường. Sau này người Hà thành đã đưa vào thờ tướng quân Trần Hưng Đạo, nhà quân sự thiên tài đã ba lần chiến thắng quân Nguyên - Mông thế kỷ thứ 13.
Đền Ngọc Sơn trên đảo Ngọc Sơn -- Ảnh: nguồn yeudulịch.vn (20.1.2010)
Năm 1865, Án sát Nguyễn Văn Siêu đã đứng ra vận động tu sửa đền và diện mạo như hiện nay là có từ lần tu sửa này. Trên gò Ngọc Bội ông đã cho xây một tháp đá có đỉnh hình ngọn bút lông, thân tháp khắc ba chữ “Tả Thanh Thiên” (viết lên trời xanh) mà ngày nay quen gọi là tháp Bút.
Qua tháp sẽ đến một cửa cuốn gọi là đài Nghiên, bên trên có một nghiên mực bằng đá hình nửa quả đào bổ dọc được đội bởi ba con ếch. Trên nghiên có khắc một bài minh với 30 cột gồm 64 chữ luận về công dụng của nghiên mực xét về mặt minh triết. Tương truyền mỗi năm có một ngày vào lúc mặt trời mọc, bóng của đỉnh tháp Bút đổ xuống sẽ chấm đúng vào nghiên mực.
Sau cửa cuốn là hai bức tường ở hai bên lối vào tượng trưng cho bảng Rồng và bảng Hổ – những sĩ tử khi đi ngang qua đây được nhắc nhở gắng công đèn sách để sớm có ngày được “bảng vàng đề tên”.
Đắc Nguyệt lâu và cầu Thê Húc -- Ảnh: nguồn yeudulịch.vn (20.1.2010)
Nối bờ với đảo Ngọc là cầu Thê Húc (nơi ánh sáng mặt trời đậu lại), hai bên có ba chữ “Thê Húc Kiều”. Qua cầu là tới Đắc Nguyệt Lâu (lầu được trăng) có chức năng của một cổng đền, duyên dáng nhờ được trang điểm bởi một gốc đa cổ thụ sum suê lá cành.
Đền Ngọc Sơn gồm ba nếp nhà chính liền nhau. Tại nhà Bái đường có đặt bàn thờ Văn Xương Đế Quân là vị thần của Đạo Giáo được thờ bên Trung Hoa, nếp giữa thờ Lã Động Tân (vị thần của Đạo Giáo được người đời sau tôn là Lã Tổ) và Quan Vân Trường (vị tướng giỏi thời Tam quốc được người Trung Hoa tôn là Quan Đế), nếp nhà phía Bắc thờ tướng quân Trần Quốc Tuấn có công lớn trong việc dẹp tan quân Nguyên xâm lược được tôn là Đức Thánh Hưng Đạo Đại Vương. Trước nhà Bái đường về phía Nam còn có đền Trấn Ba (đình chắn sóng), như muốn hàm ý nơi đây là một thành lũy đạo đức có thể ngăn chặn được những biến tướng tiêu cực của nền văn hóa đang bị phân hóa của xã hội đương thời.
Tháp Bút -- Ảnh: nguồn yeudulịch.vn (20.1.2010)
Xa về phía Tây Nam hồ Hoàn Kiếm là gò Rùa, trên đó vào cuối thế kỷ19 đã xây một cái tháp quen được gọi là tháp Rùa, tuy không mấy giá trị về mặt lịch sử nhưng sự hiện diện trên một thế kỷ của tháp đã trở nên thân thuộc đối với người Hà Nội và không ít người xem đó như là biểu tượng của thủ đô. Đặc biệt tại hồ Hoàn Kiếm còn có giống rùa lạ có mai rộng 1 - 2m, thi thoảng vào mùa thu khi những cây lộc vừng rắc thảm hồng trên mặt hồ, vẫn xuất hiện phơi nắng trên bãi cỏ gò Rùa – nhiều người tin rằng có mối liên hệ giữa các cụ rùa này với huyền thoại rùa thần hồ Hoàn Kiếm một nghìn năm về trước (!).
Mai Kim Thành
Chủ đề liên quan :
- BẢO TÀNG PHỤ NỮ VIỆT NAM - ĐIỂM DU LỊCH ĐÁNG ĐẾN NHẤT HÀ NỘI 09/05/2014
- KHU DI TÍCH CỔ LOA 10/10/2010
- VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM 10/10/2010
- CỘT CỜ HÀ NỘI 10/10/2010
- BIA TIẾN SĨ: DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI 10/10/2010
- GÒ ĐỐNG ĐA 10/10/2010
- THÀNH CỔ HÀ NỘI 10/10/2010
- DI SẢN THẾ GIỚI TRUNG TÂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG 10/10/2010
- KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 10/10/2010
- Ô QUAN CHƯỞNG 10/10/2010