» Giới thiệu » Tham quan » Di tích - Bảo tàng
10/10/2010
VĂN MIẾU - QUỐC TỬ GIÁM
Văn Miếu - Quốc Tử Giám nằm gọn giữa 4 phố Quốc Tử Giám, Văn Miếu, Nguyễn Thái Học và Tôn Đức Thắng thuộc địa bàn quận Đống Đa, cách trung tâm Hà Nội 5km về phía Tây.
Được xây dựng từ tháng 8 năm Canh Tuất đời vua Lý Thánh Tông (tháng 10 năm 1070), ban đầu là Văn miếu thờ các vị thánh hiền đạo Nho như Khổng Tử, Mạnh Tử. Đến Năm 1076 đời Lý Nhân Tông, nơi đây đã lập thêm Quốc Tử Giám với mục đích dạy dỗ các hoàng tử, sau đó đã mở rộng thu nhận cả các học trò giỏi trong nhân dân. Năm 1236 đời Trần Thái Tông, Quốc Tử Giám đổi thành Viện Quốc Học và năm 1480 đời Lê Thánh Tông lại đổi thành Nhà Thái Học.
Lối vào Văn Miếu: cổng “Vǎn Miếu Môn”
Văn Miếu - Quốc Tử Giám có tường cao bao quanh xây bằng gạch vồ Bát Tràng, bên trong có những bức tường ngăn đã chia nơi đây thành 5 khu vực:
- Khu vực 1 bắt đầu bằng cổng chính có 3 chữ “Văn Miếu Môn”, phía trước và sau cổng đều có cặp rồng đá mang phong cách thời Lê sơ (thế kỷ 15).
- Khu vực 2 bắt đầu bằng cổng “Đại Trung Môn”, 2 bên có hai cổng nhỏ “Thành Đức” và “Đại Tài”.
- Khu vực 3 bắt đầu bằng “Khuê Văn Các” (gác đẹp của sao Khuê, một sao trong nhị thập bát tú, chủ về văn chương thi phú). Gác này được xây dựng từ mùa xuân năm 1805 với một lầu vuông 8 mái, bốn mặt gác có 4 cửa sổ tròn trang trí hình mặt trời. Hai bên gác cũng có hai cổng nhỏ “Súc Văn” và “Bỉ Văn”.
Thiên Quang tĩnh và Khuê Văn các
Ngay giữa khu này có một hồ lớn hình vuông gọi là Thiên Quang Tỉnh (giếng trời trong sáng) với tường hoa bao quanh. Đối xứng với hồ là 2 khu vườn bia, là nơi dựng các tấm bia ghi danh những người đỗ tiến sĩ. Nếu tính đủ từ năm Đại Bảo thứ 3 (1442) đến năm Cảnh Hưng thứ 10 (1779) phải có trên 100 kỳ thi, nhưng thực tế số bia ở đây chỉ có 82 tấm.
Những cụ rùa đá “đeo bia” hàng trăm năm
- Khu vực 4 bắt đầu từ Đại Thành Môn là một khoảnh sân rộng, hai bên có hai dãy Tả vu và Hữu vu, vốn là nơi thờ tự các danh nho. Cuối sân là nhà Đại bái và Hậu cung với kiến trúc khá đẹp và trang trọng. Nơi đây còn giữ được một số hiện vật qúy: Bích Ưng Đại Chung phía trái do Nguyễn Nghiễm là thân phụ của Nguyễn Du đứng đúc năm 1768 và phía phải có tấm khánh đá mặt trong đề hai chữ Thọ Xương vốn ở văn chỉ huyện Thọ Xương chuyển về.
- Khu vực 5 bắt đầu bằng “Thái Học Môn” dẫn vào nhà Thái Học, nguyên là Quốc Tử Giám lập từ đời Lý, có thể ví như trường đại học đương thời. Khi nhà Nguyễn dời kinh đô vào Phú Xuân thì trường cũng được dời theo và trên nền nhà Thái Học cũ đã dựng đền Khải Thánh thờ cha mẹ của Khổng Tử.
Mô hình toàn cảnh Văn Miếu - Quốc Tử Giám được trưng bày tại nhà Thái học
Năm 1946, người Pháp đã đốt trụi khu vực này, chỉ còn lại hai cái nền của nhà Đại bái và Hậu cung cũ.
Năm 2000, nhân dịp kỷ niệm 990 năm Thăng Long - Hà Nội, Bộ Văn hóa Thông tin và UBND Thành phố Hà Nội đã quyết định tôn tạo khu Thái Học theo lối mô phỏng các kiến trúc cổ truyền Việt Nam. Tuy không dừng lại ở một kiến trúc triều đại nhất định nào nhưng các kiến trúc mới cũng đã tạo được sự hài hòa trong cảnh quan, đáp ứng được yêu cầu tôn vinh và phát triển truyền thống văn hóa giáo dục của dân tộc.
Tượng rồng (thời Nguyễn) phía sau Cổng Văn Miếu Môn
Ngày 9-3-2010 tại Macau (Trung Quốc), trong phiên họp toàn thể thường niên Ủy ban Ký ức Thế giới khu vực Châu Á - Thái Bình Dương của UNESCO, hồ sơ Bia đá các khoa thi Tiến sĩ triều Lê và Mạc (1442 – 1779) tại Văn Miếu - Quốc Tử Giám đã được công nhận là Di sản tư liệu thế giới. Ngày 7-4-2010 tại đây đã diễn ra lễ đón nhận bằng công nhận vinh danh 82 bia đá Tiến sĩ này.
Mai Kim Thành
Ảnh: TIẾN THÀNH (Tuổi Trẻ Online – 21.07.2009)
Chủ đề liên quan :
- BẢO TÀNG PHỤ NỮ VIỆT NAM - ĐIỂM DU LỊCH ĐÁNG ĐẾN NHẤT HÀ NỘI 09/05/2014
- KHU DI TÍCH CỔ LOA 10/10/2010
- CỘT CỜ HÀ NỘI 10/10/2010
- BIA TIẾN SĨ: DI SẢN TƯ LIỆU THẾ GIỚI 10/10/2010
- ĐỀN NGỌC SƠN VÀ CỤM DI TÍCH HỒ HOÀN KIẾM 10/10/2010
- GÒ ĐỐNG ĐA 10/10/2010
- THÀNH CỔ HÀ NỘI 10/10/2010
- DI SẢN THẾ GIỚI TRUNG TÂM HOÀNG THÀNH THĂNG LONG 10/10/2010
- KHU DI TÍCH CHỦ TỊCH HỒ CHÍ MINH 10/10/2010
- Ô QUAN CHƯỞNG 10/10/2010